Ngày 11/3, Hội Liên văn học nghệ thuật tỉnh phối hợp với Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tại Sơn La tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam (15/3/1953-15/3/2023).
Nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước và Bác Hồ kính yêu. Nhận rõ giá trị, sức mạnh của việc tuyên truyền bằng hình ảnh trong giai đoạn chuẩn bị kháng chiến chống thực dân pháp, ngày 15/3/1953, tại Đồi Cọ thuộc bản Bắc, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên thuộc chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 147/SL thành lập Doanh nghiệp quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam với mục đích: “Tuyên truyền chính sách, chủ trương của Chính phủ; Nêu cao những thành tích, những gương chiến đấu anh dũng của quân và dân Việt Nam; Giới thiệu đời sống và thành tích đấu tranh kiến thiết của nhân dân nước bạn; Giáo dục văn hóa và chính trị cho nhân dân”. Đây là mốc son hết sức quan trọng đánh dấu sự phát triển và định rõ hướng đi cho Nhiếp ảnh, đồng thời tạo nền móng cho sự phát triển rực rỡ sau này của hai ngành Nhiếp ảnh và Điện ảnh Việt Nam.
Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng hoa chúc mừng Chi hội Nhiếp ảnh tỉnh.
Lúc bấy giờ, ở an toàn khu ATK, nơi Bác Hồ làm việc ở Đồi Khau Tý, đồng chí Trường Chinh đóng ở Điềm Mặc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặt đại bản doanh ở Khâu Hấu. Các cơ quan Trung ương đóng rải rác trong khu Đồi Cọ thuộc xã Điềm Mặc, trong đó có Phòng Điện – Nhiếp ảnh thuộc Nha Tuyên truyền – Văn nghệ.
Hồi đó, điều kiện sinh hoạt và làm việc ở chiến khu hết sức khó khăn, những người làm nhiếp ảnh thiếu thốn đủ thứ, từ máy ảnh, phim, giấy, thuốc in tráng phim ảnh, đến phóng ảnh cũng phải dùng bằng ánh sáng trời. Để làm ra một bộ ảnh cỡ
13x18cm thôi cũng đã hết sức vất vả, nhưng với những bộ ảnh đó, nhiếp ảnh đã góp phần tích cực vào công tác tuyên truyền đường lối chủ trương của Đảng, Chính phủ, tham gia phục vụ kháng chiến, góp phần đưa kháng chiến đến thắng lợi.
Với sự kiện này, Đồi Cọ thuộc bản Bắc, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên được công nhận là di tích Lịch sử đặc biệt và đây cũng chính là địa danh được ghi vào lịch sử của giới Văn nghệ – Tuyên huấn trong công cuộc kháng chiến chống Pháp vĩ đại của dân tộc. Cũng chính từ sự kiện đó, ngày 16/12/2002, Nhà nước đã cho phép chính thức lấy ngày 15/3 hàng năm làm ngày Truyền thống của giới Nhiếp ảnh Việt Nam.
Năm nay, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ ký Sắc lệnh thành lập ngành Nhiếp ảnh và Điện ảnh ngày nay, cũng là Ngày truyền thống của giới Nhiếp ảnh Việt Nam, là dịp để tri ân với lớp đàn anh ở Đồi Cọ năm xưa, lớp người khởi nghiệp từ đây để rồi trưởng thành ở các chiến trường và cũng từ lớp đàn anh này mà chúng ta có các thế hệ nhiếp ảnh hôm nay.
Nền Nghệ thuật Nhiếp ảnh Việt Nam bắt nguồn từ các Hội Ái hữu Nhiếp ảnh ở Hà Nội, Sài Gòn năm 1937 – 1938, và phát triển mạnh mẽ trong cách mạng Tháng Tám, toàn quốc kháng chiến, rồi phát triển rực rỡ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Các bức ảnh tiêu biểu của Nhiếp ảnh Việt Nam trong giai đoạn này hầu hết là đề tài chiến tranh và cách mạng. Rất nhiều tác phẩm ảnh quý trở thành tư liệu vô giá, di sản, là bằng chứng lịch sử, là biểu tượng của chủ nghĩa Anh hùng cách mạng Việt Nam trước những kẻ thù tàn bạo. Trong số đó tiêu biểu là các tác phẩm đã được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước.
Tập thể chi hội chụp ảnh lưu niệm
Những năm qua, Chi hội Nhiếp ảnh tỉnh Sơn La đã nỗ lực, tập trung sáng tạo tác phẩm ảnh phản ánh toàn diện thành tựu về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh, nhất là các hoạt động chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của tỉnh, của đất nước. Nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh đã nhiều tác phẩm tham gia Liên hoan ảnh nghệ thuật trong nước và quốc tế do Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam phát động… góp phần quảng bá hình ảnh của địa phương đến bạn bè trong và ngoài nước.